Giai đoạn 1, tuyến đường được thiết kế 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp; giai đoạn 2 hiện tại gồm 6 làn xe chạy và 2 làn xe khẩn cấp, giữa 2 chiều là dải phân cách trồng cây. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ có 8 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp và theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch sẽ nâng tuyến đường lên quy mô từ 10 đến 12 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp.[1]
Theo thiết kế ban đầu cho đường cao tốc, làn trái dành cho xe con, tốc độ tối đa 100 km/h và tối thiểu 80 km/h. Làn phải dành cho xe chạy tốc độ 60 – 80 km/h. Song, do có nhiều đoạn sụt lún, mặt đường bị nứt, gãy khúc, không bảo đảm độ êm thuận, một số nút giao trên tuyến còn thiếu hợp lý, nên ở một số đoạn, biển quy định tốc độ đã được gỡ bỏ. Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ không được hội đồng nghiệm thu công nhận là đường cao tốc. Từng có ý kiến cho rằng vì có trường điện từ lớn ở đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nên đường này mới trở thành đoạn có nhiều tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 (trước đây).
Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được coi là cửa ngõ phía Nam quan trọng để ra vào Hà Nội nên tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào dịp lễ hoặc Tết.
Xây dựng
Thi công
Công việc xây dựng đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được khởi công vào ngày 4 tháng 9 năm 1998 và hoàn thành giai đoạn 1 vào ngày 1 tháng 1 năm 2002, mặc dù trong giai đoạn đầu chỉ khai thác giai đoạn tiền cao tốc (vì xe máy và xe thô sơ được đi vào). Đến ngày 1 tháng 2 năm 2012, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chính thức cấm xe máy, xe thô sơ lưu thông;[2] các phương tiện xe máy, xe thô sơ chỉ được phép di chuyển trên tuyến đường gom cao tốc hoặc lưu thông trên quốc lộ 1 hiện hữu.
Mở rộng
Năm 2013, đề xuất nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ lên thành đường cao tốc được chấp thuận. Trước đó, đường chỉ được coi là 1 tuyến tránh của Quốc lộ 1 và xe máy được phép đi vào. Đường được nâng cấp theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin); liên danh này đã thành lập Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ để quản lý và thực hiện dự án.[3][4] Dự án này được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thi công cải tạo đường cũ 4 làn xe, thi công dự kiến từ quý IV/2013 đến quý IV/2014 và giai đoạn 2 thi công mở rộng với 6 làn xe và xây dựng đường song hành 2 bên.[5] Tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn là 6.731 tỷ đồng.[6] Hiện nay, quá trình cải tạo giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đều đã hoàn tất.
Chi tiết tuyến đường
Làn xe
6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp
Chiều dài
Toàn tuyến: 32,3 km
Tốc độ giới hạn
Tối đa: 100 km/h, Tối thiểu: 60 km/h
Cầu, Hầm
36 cầu, gồm 1 cầu vượt sông, 1 cầu vượt đường sắt, còn lại là hầm chui dân sinh