Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Hác Chiêu

Hác Chiêu
Tên chữBá Đạo
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
không rõ
Nơi sinh
Thái Nguyên
Mất229
Giới tínhnam
Nghề nghiệpquân nhân
Quốc tịchTào Ngụy

Hác Chiêu (tiếng Trung: 郝昭; bính âm: Hao Zhao; ? – ?), tự Bá Đạo (伯道), là tướng lĩnh Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Cuộc đời

Bình định Hà Tây

Hác Chiêu quê ở quận Thái Nguyên, Tịnh Châu, có cơ thể hùng tráng, tòng quân từ thời trai trẻ, lập nhiều chiến công, quan đến tạp hiệu tướng quân. Chiêu ở Hà Tây (thuộc Lương Châu) hơn 40 năm, rất được lòng người ngoại tộc.[1][2]

Năm 215, Hàn Toại bị thuộc hạ là Khúc Diễn, Tưởng Thạch giết chết. Cường hào Lương Châu là Trương Tiến, Hoàng Hoa, Khúc Diễn, Hòa Loan, Nhan Tuấn cấu kết nổi dậy ở ba quận Vũ Uy, Trương Dịch, Tửu Tuyền, tự xưng tướng quân. Nhân cơ hội đó, ba bộ lạc người Hồ ở Vũ Uy tụ quân làm phỉ, khống chế Hà Tây, khiến cho việc lưu thông càng thêm khó khăn. Thái thú Vũ Uy Quán Khâu Hưng cầu viện Thái thú Kim Thành, Hộ Khương hiệu úy Tô Tắc.[3]

Tin đến Hứa Đô, Tào Tháo bèn hỏi kế Trương Ký, Ký dẫn điển tích Biện Trang Tử giết hổ.[4] Tào Tháo vì thế hạ chiếu bắt hai tướng ở Kim Thành là Hác Chiêu, Ngụy Bình không được xuất binh. Tô Tắc nhận thấy cường hào ở Ung, Lương đều hưởng ứng Trương Tiến, lo lắng nếu chờ viện quân của triều đình đến thì tình hình sẽ trở nên xấu hơn, bèn thuyết phục Hác Chiêu xuất quân. Cuối cùng, Hác Chiêu dẫn một lực lượng nhỏ ép ba bộ lạc quy hàng, con đường tới quận Vũ Uy được nối lại.[3]

Năm 220, Trương Tiến, Khúc Diễn, Hoàng Hoa lại nổi dậy, đánh đuổi, bắt giữ các quan viên do chính quyền Tào Ngụy cắt cử.[3] Triều đình Tào Ngụy phái thứ sử Trương Ký, hộ quân Hạ Hầu Nho, Phí Diệu dẫn quân đánh dẹp Trương Tiến.[4] Tô Tắc hội quân với Hác Chiêu lừa giết Khúc Diễn,[3], lại cùng em của Trương CungTrương Hoa đánh bại Hoàng Hoa, buộc Hoa đầu hàng.[5] Lương Châu hoàn toàn bị bình định.

Năm 227, cường hào quận An ĐịnhKhúc Anh (麴英) nổi dậy, giết chết Huyện lệnh huyện Lâm Khương cùng Huyện trưởng huyện Tây Đô. Tướng quân Hác Chiêu cùng Lộc Bàn (鹿磐) dẫn quân đi đánh dẹp, chém Anh.[1]

Phòng thủ Trần Thương

Mùa xuân năm 228, thừa tướng nhà Hán là Gia Cát Lượng phát động chiến dịch bắc phạt, từ Kỳ Sơn tiến công Lương Châu, không chế ba quận Thiên Thủy, Nam An, An Định, lại phái Trung hộ quân, Trấn đông tướng quân Triệu Vân, Trung giám quân, Dương Vũ tướng quân Đặng Chi từ Cơ Cốc đi lối Trần Thương làm nghi binh. Tướng Ngụy là Tả tướng quân Trương Cáp đánh bại tướng Hán là thừa tướng tòng quân Mã TắcNhai Đình, buộc Gia Cát Lượng phải rút quân. Cánh quân Triệu Vân cũng bị Đại tướng quân Tào Chân đẩy lui. Sau trận này, Tào Chân cho rằng quân Hán không lâu sau sẽ lại hành quân theo lối Trần Thương, liền sai Hác Chiêu, Vương Sinh (王生) sửa chữa, xây thành.[1][6]

Cuối năm 228, quân Ngụy do Đại tư mã Tào Hưu dẫn quân tấn công Đông Ngô. Đông Ngô phái sứ giả sang Quý Hán cầu viện.[7] Thừa tướng Gia Cát Lượng hưởng ứng, vội vã hành quân ra Trần Thương trong khi chỉ mang một tháng lương thảo cùng vũ khí công thành. Gia Cát Lượng ban đầu cho rằng thành trì ở đường Trần Thương đều bị bỏ bê nhiều năm, khi đến nơi lại thấy thành trì kiên cố, liền cảm thấy nghi ngờ. Sau biết được tướng thủ thành là Hác Chiêu, Gia Cát Lượng vô cùng kinh ngạc, bèn phái thuộc cấp Cận Tường (靳詳) là đồng hương của Chiêu, đến chiêu hàng.[2] Lần đầu tiên đối thoại, Hác Chiêu bèn dẫn luật pháp nước Ngụy, nói rõ gia đình ở kinh đô làm con tin, không thể vì bản thân mà khiến người nhà bị liên lụy. Lần thứ hai đối thoại, Chiêu cài cung lắp tên, tỏ vẻ quyết liệt. Gia Cát Lượng bèn quyết tâm công thành.[1]

Hác Chiêu nhận định Gia Cát Lượng hành quân gấp, không mang nhiều lương thực, nói với Vương Sinh rằng chỉ cần cố thủ 1 tháng, thì quân Hán sẽ tự động rút lui. Ban đầu quân Hán dùng vân thê áp sát tường thành, Hác Chiêu cho quân bắn tên lửa (châm lửa ở đầu mũi tên) làm cháy. Quân Hán lại đẩy xung xa phá cổng thành, thì bị quân Ngụy dùng cối đá ném đá vỡ. Trong lúc đánh Trần Thương, Gia Cát Lượng lại cho quân đánh huyện Mi nhưng không thành.[8] Sau cùng, quân Hán lấp hào nước quanh thành, dùng tỉnh lan đưa quân lên tường thành. Tuy nhiên, Hác Chiêu đoán trước được tình thế, cho quân xây một bức tường bên trong, khiến quân Hán gặp khó khăn. Trong lúc phòng ngự, Hác Chiêu cho quân sĩ đào bới mồ mà để lấy nguyên liệu gỗ.[1]

Sau 20 ngày, Tào Chân phái Trương Cáp, Phí Diệu dẫn quân từ Kinh Châu đến cứu viện.[9] Gia Cát Lượng phát hiện quân Phí Diệu kéo đến, biết được đã hấp dẫn quân Kinh Châu, giảm áp lực về phía Đông Ngô thành công, cho rút quân.[1] Tướng quân Vương Song của Ngụy truy kích, bị quân Hán chém đầu. Trương Cáp tới nơi, đoán được quân Hán đã rút lui, dẫn quân đuổi theo hướng Nam Trịnh, nhưng lúc này quân Hán đã rút về đất Thục an toàn.

Hậu sự

Sau trận chiến, Ngụy Minh đế Tào Duệ nói với Trung thư lệnh Tôn Tư: Quê khanh dĩ nhiên có người hào sảng như thế, làm tướng hiểu biết như thế, trẫm còn gì phải lo lắng?, hạ chiếu khen ngợi Hác Chiêu, ban tước liệt hầu, triệu về Lạc Dương để trọng dụng. Không lâu sau, Hác Chiêu ốm chết ở Lạc Dương, người đời cho rằng Chiêu chết vì đào bới mồ mả.[1] Tào Duệ vì thế mà buồn bức, hạ chiếu giảm bớt thức ăn của các quan lớn, bị Tư Mã Ý dâng sớ khuyên can.[10]

Gia đình

  • Hác Khải (郝凱), con trai của Hác Chiêu, tập tước hầu, sau làm tướng nước Ngụy.[1]

Trong văn học

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Hác Chiêu xuất hiện ở hồi 97, được mô tả ngoại hình cao chín thước, tay dài như vượn, thiện xạ, nhiều mưu lược. Hác Chiêu được Tư Mã Ý (trong lịch sử là Tào Chân) tiến cử trấn thủ Trần Thương, được Tào Duệ gia phong Trấn tây tướng quân.

Quân Thục tiến đánh Trần Thương, ban đầu do Ngụy Diên chỉ huy, đánh nhiều ngày không hạ được. Gia Cát Lượng ban đầu giận dữ, muốn chém Diên, lại phái đồng hương của Chiêu là Ngân Tường (鄞祥) đến chiêu hàng. Hác Chiêu cự tuyệt, Gia Cát Lượng bèn cho quân tấn công. Hác Chiêu dùng 3.000 quân chống trả 30 vạn quân Thục (trong lịch sử là hơn 1.000 quân[11] với khoảng 1 đến vài vạn quân). Gia Cát Lượng dùng vân thê, xung xa, lấp hào thành nhưng đều bị Chiêu hóa giải. Sau 20 ngày giằng co, Gia Cát Lượng vô kế khả thi.[12]

Đại quân Tào Chân tiến đến, Gia Cát Lượng nghe theo kế của Khương Duy, đi đường Kỳ Sơn, bày mưu chém chết Vương Song, Phí Diệu, lại biết tin Hác Chiêu bị bệnh nặng, liền cho quân đánh Trần Thương, không để Trương Cáp có cơ hội cứu viện. Hác Chiêu mang bệnh chỉ huy, gặp phải tường thành bốc cháy, trong thành hỗn loạn. Hác Chiêu biết tin kinh sợ mà chết, thành Trần Thương cũng bi hạ. Gia Cát Lượng bèn cho vợ con Hác Chiêu đem linh cữu mang về Ngụy để biểu dương lòng trung thành.[13] (Trong lịch sử, vợ con vẫn luôn sinh hoạt, làm con tin ở Lạc Dương; đồng thời Hác Chiêu cũng ốm chết ở Lạc Dương)

Xem thêm

Tham khảo

  • Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí.
  • Tư Mã Quang, Tư trị thông giám.
  • La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa.
  • Sawyer, Ralph (2010). Zhuge Liang: Strategy, Achievements, and Writings. CreateSpace Independent Publishing. ISBN 978-1492860020.

Chú thích

Kembali kehalaman sebelumnya