Từ định danh polylepis được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Hy Lạp cổ đại, polús (πολύς; "nhiều") và lepís (λεπίς; "vảy"), hàm ý đề cập đến số vảy đường bên của loài cá này được cho là nhiều nhất trong chi Chaetodon (chi ban đầu mà H. polylepis được xếp vào).[2]
H. polylepis sống trên khu vực sườn dốc của rạn viền bờ ở độ sâu khoảng từ 3 đến 60 m.[1]
Mô tả
Chiều dài lớn nhất được ghi nhận ở H. polylepis là 18 cm.[3] Vùng thân của H. polylepis có màu trắng, bao gồm cuống và vây đuôi cũng như vây bụng, hẹp dần về phía lưng tạo thành hình dạng kim tự tháp (bắt nguồn cho tên thông thường của loài này). Vùng đầu màu nâu sẫm. Vùng thân còn lại cùng vây lưng và vây hậu môn có màu vàng.[6]
Số gai ở vây lưng: 12; Số tia vây ở vây lưng: 23–26; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 20–21; Số tia vây ở vây ngực: 16–18; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số vảy đường bên: 68–74.[6]
Sinh thái học
Thức ăn chủ yếu của H. polylepis là sinh vật phù du. Chúng sống thành nhóm nhỏ và có thể hợp thành đàn lớn.[7]H. polylepis có thể phát ra âm thanh nhờ vào bong bóng cá. Chúng phát âm thanh vào lúc hoàng hôn để thực hiện các màn tán tỉnh và thu hút bạn tình.[8]