Hoàng nữ Tĩnh Hảo sinh năm Minh Mạng thứ 5 (1824), là trưởng nữ, và cũng là người con đầu lòng của vua Thiệu Trị, khi ông giữ tước Trường Khánh công (长庆公).[1] Mẹ của Tĩnh Hảo là Phủ thiếp Phạm Thị Hằng, về sau là Hoàng thái hậu Từ Dụ. Hoàng nữ Tĩnh Hảo là chị cùng mẹ với hoàng nữ Uyên Ý (mất sớm khi mới 3 tuổi) và vua Tự Đức.[1]
Sử sách ghi lại, công chúa Tĩnh Hảo tuổi còn trẻ mà thông minh, nhàn nhã đoan tĩnh, có tính hiếu đễ. Hằng ngày, công chúa đều vào hầu cụ nội là Nhân Tuyên Hoàng thái hậu Trần Thị Đang lễ phép và kính cẩn, rất được bà Nhân Tuyên yêu dấu.[2]
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tháng giêng, vua cho làm nhà ở ba vườn Vĩnh Ấm, Vĩnh Tú, Vĩnh Lệ để cho các công chúa Tĩnh Hảo, Nhàn Yên và Huy Nhu ở.[3] Cũng trong tháng đó, vua gả chồng cho cả ba công chúa.[4] Tĩnh Hảo được gả cho Phò mã Đô úyNguyễn Văn Ninh.[4] Phò mã Ninh nguyên quán ở huyện Bảo Hựu, Vĩnh Long, là con trai của Chưởng phủ sự Thái bảoHoằng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng.[2] Công chúa Tĩnh Hảo sống với chồng rất mực yêu quý và hòa thuận.
Trong số những người em gái khác mẹ của Tĩnh Hảo, có Quy Chính Công chúaLệ Nhàn, hoàng nữ thứ 15 của vua Thiệu Trị, hạ giá lấy Nguyễn Văn Duy, là cháu nội của Hoằng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng.
Mùa hạ năm thứ 6, tháng 4 (âm lịch), Tĩnh Hảo được sách phong làm Diên Phúc Công chúa (延福公主).[5] Năm đó, chỉ có duy nhất một mình bà được sách phong làm Công chúa.
Tháng giêng, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), vua cấp thêm lương năm cho công chúa Diên Phúc, mỗi năm được nhận 600 quan tiền và 300 phương gạo,[6] ngang hàng với 4 bài Thái trưởng công chúa.[7] Lương hằng năm của các công chúa, theo lệ định là 300 quan tiền và 240 phương gạo,[6] nhưng công chúa Tĩnh Hảo lại được đặc cách như vậy phần nào thể hiện rõ sự yêu thương của vua cha dành cho bà.
Tháng 5 (âm lịch) năm thứ 7, phò mã Ninh gặp tang mẹ.[8] Theo lệ, công chúa để tang cha mẹ chồng là 1 năm. Nhưng vì mẹ của phò mã Ninh chỉ là thứ thất của Hoằng Trung hầu, mà công chúa Diên Phúc là con gái trưởng nhà vua, có phân biệt với các thứ công chúa, nên Bộ Lễ xin cho công chúa để tang Tư thôi 5 tháng.[8]
Công chúa Diên Phúc mất vào năm Tự Đức thứ nhất (1847), sau vua cha không lâu.[1] Bà mất khi mới vừa 25 tuổi (tính theo tuổi mụ), được ban thụy là Đoan Nhã (端雅)[2]. Phủ thờ của công chúa Diên Phúc được dựng ở Kim Long, phủ Thừa Thiên.[1] Công chúa cũng được thờ ở chùa Diệu Đế, nguyên trước đây là phủ Trường Khánh, nơi bà đã từng sống cùng mẹ và các em khi Thiệu Trị chưa đăng cơ.