Khinh khí cầu Clonmacnoise là chủ đề của một giai thoạilịch sử liên quan đến nhiều nguồn tư liệu thời Trung Cổ. Mặc dù theo lời kể ban đầu như trong biên niên sử của Ireland chỉ đơn giản đề cập đến sự xuất hiện của những con tàu cùng với thủy thủ đoàn của họ trên bầu trời Ireland vào thập niên 740, nhưng các tài liệu sau này trong suốt thời Trung Cổ đã dần dần mở rộng câu chuyện này với các chi tiết đẹp như tranh vẽ. Trước tiên, theo lời mô tả từ nguồn tài liệu này thì các con tàu nêu trên bị giảm bớt chỉ còn lại một con tàu qua Teltown, có thủy thủ đoàn nọ đã ném rồi thu hồi một cây giáo đánh cá. Sau đó, bối cảnh chuyển sang tu việnClonmacnoise rồi mới tới nước Anh, và chiếc giáo đánh cá được đổi thành một chiếc mỏ neo mắc vào một số bộ phận của nhà thờ. Người thủy thủ trèo xuống để thả nó cũng được cho là có nguy cơ chết đuối trong bầu không khí dày đặc hơn của thế giới dưới này. Câu chuyện này từng được Seamus Heaney kể lại trong một bài thơ nổi tiếng in trong tập thơ Seeing Things ra mắt năm 1991 của ông.
Nguồn gốc
Một số bộ biên niên sử của Ireland, biên niên sử xứ Ulster, Tigernach, Clonmacnoise và Four Masters, tất cả đều đề cập ngắn gọn về sự hiện hình kỳ lạ này;[1] Ví dụ, Biên niên sử Ulster chỉ đơn giản nói rằng "nhiều người dân đã nhìn thấy những con tàu cùng với thủy thủ đoàn ngay trên không trung".[2] Mặc dù những bộ biên niên sử có chép khác nhau về niên đại chính xác, cho dù đó là vào năm 743, 744 hay 748/9, chúng vẫn được coi là mô tả sớm nhất, nếu có thể là thứ hai hoặc thứ ba, về cùng một sự kiện, một sự kiện được coi là nổi bật đủ để ghi lại. Đương nhiên, hiện tại không thể chứng minh bản chất chính xác của những con tàu khả nghi này,[1] dù chúng được giải thích theo nhiều cách khác nhau như một đám mây hình thành bất thường (chẳng hạn như đám mây hình con tàu mà các tu sĩ ở thế kỷ 13 của Thánh đường St. Albans đã tận mắt chứng kiến),[3] một màn trình diễn cực quang,[4] hoặc, theo nhiều nhà nghiên cứu UFO, kiểu như bằng chứng về sự viếng thăm của người ngoài hành tinh.[2] Gần đây nhất, nó được giải thích là ảo ảnh đại dương, một hiện tượng có thể khiến những con tàu trên biển dường như ở phía trên đường chân trời.[5]
Sự kiện Merkel
Trong suốt năm 1896 và 1897, có nhiều vụ trình báo trên khắp nước Mỹ về loại khinh khí cầu bí ẩn, một phát minh khi đó đang ở giai đoạn phát triển thử nghiệm, được nhiều người nhìn thấy trên bầu trời, một số được xác nhận từ các nguồn có vẻ đáng tin cậy trong khi số khác rõ ràng là trò lừa bịp.[6] Một câu chuyện đăng trên tờ Houston Post ngày 28 tháng 4 năm 1897, kể về những người đi nhà thờ ở Merkel, Texas trên đường trở về đã trông thấy một vật rất lớn có buộc một sợi dây cáp kéo lê trên mặt đất. Họ đã chạy theo vật này cho tới chỗ sợi dây cáp kia bị móc vào đường ray. Lúc ấy họ mới nhìn lên và thấy hình thù một con tàu không gian. Nhưng vì tàu ở trên cao quá nên họ không thấy rõ hình dáng và không thể xác định được kích thước của nó. Từ một số cửa sổ trên tàu, ánh sáng hắt ra và phía trước có một ngọn đèn pha sáng hơn cả. Mười phút sau có một người tụt xuống theo chiếc dây cáp kia, và khi xuống đến khá gần thì họ thấy rõ hình dáng người này. Hắn ta mặc một bộ quần áo nhẹ như của thủy thủ. Trông thấy đám đông người ở phía dưới, người kia bèn cắt sợi dây cáp, bỏ chiếc mỏ neo bị móc vào đường ray rồi cùng với chiếc tàu đi về phía Tây Bắc. Chiếc mỏ neo đó đã được trưng bày ở một lò rèn tại Miler và đã thu hút sự chú ý của hàng trăm người dân vùng này.[7] Toàn bộ báo cáo có đủ điểm tương đồng với các phiên bản khác nhau của câu chuyện về Clonmacnoise để chứng minh mối liên hệ, bao gồm cả việc những người đi nhà thờ quay trở lại và điều kiện ánh sáng kém được Otia Imperialia mô tả (mà không phải là Speculum Regale), và sự xuất hiện của cái mỏ neo và vụ trốn thoát của phi hành gia theo như Speculum Regale kể lại (mà không phải là Otia Imperialia). Nhìn chung, nguồn gốc chính xác của câu chuyện này và con đường mà nó đến Texas là không rõ ràng.[8]
Sự kiện tương tự
Các chi tiết mà câu chuyện gốc trong quyển biên niên sử này dần dần được tô điểm thêm đã thu hút người dân thời Trung Cổ, và đặc biệt là người Ireland thời Trung Cổ, yêu thích phép màu, điều kỳ diệu và sự đảo ngược thực tế.[9] Ẩn ý về vụ vướng víu và thu hồi mỏ neo trong tu viện cũng xảy ra trong một câu chuyện được nhắc đến trong phần bóng bẩy của một bài thánh ca thời kỳ đầu của Ireland mang tên Ní car Brigit buadach bith; trong câu chuyện này, mỏ neo thuộc về một con tàu đi biển bình thường và tu viện nằm dưới đáy Biển Wight. Nhà nghiên cứu John Carey tin rằng giai thoại này đã được nhóm tu sĩ của tu viện Clonmacmoise lấy làm của riêng và thêm vào phiên bản truyền thuyết về con tàu bay của họ.[10]
Cũng một chuyện tương tự được đăng tải trên tạp chí Fait vào tháng 3 năm 1958. Lần này là chuyện xảy ra vào năm 956, chiếc neo của con tàu không gian đã móc phải tháp chuông nhà thờ Kloera, và một thủy thủ đã theo dây cáp tụt xuống. Nhưng cha cố ở đấy đã cấm không cho ai được xúc phạm đến người này, nên sau đó anh ta đã cùng với chiếc tàu bay đi mất, chỉ để lại cái mỏ neo làm kỷ niệm.[7]
Carey, John (1992). “Aerial ships and underwater monasteries: the evolution of a monastic marvel”. Proceedings of the Harvard Celtic Colloquium. 12: 16–28. JSTOR20557234.
Cohen, Jeffrey Jerome (2015). “The sea above”. Trong Cohen, Jeffrey Jerome; Duckert, Lowell (biên tập). Elemental Ecocriticism: Thinking with Earth, Air, Water, and Fire. Minneapolis: University of Minnesota Press. tr. 105–133. ISBN9781452945675. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2022.