Tam quốc chí bình thoại (giản thể: 三国志平话 hoặc 三国志评话), là một tập hợp các truyện kể dân gian về thời kỳ Tam quốc, bắt đầu từ khi Quang Vũ đế Lưu Tú nhà Đông Hán lên ngôi và kết thúc khi Quang Văn đế Lưu Uyên tiêu diệt nhà Tấn, lập ra nhà Hậu Hán.
Nguồn gốc
Các chuyện kể về các nhân vật Tam quốc đã xuất hiện ngay từ thời Tam quốc dưới dạng những giai thoại lưu hành phổ biến khắp nơi. Chẳng hạn như câu chuyện Khổng Minh lấy vợ, Gia Cát chết dọa Trọng Đạt sống. Trong bài biểu dâng lên vua Tấn vào năm Thái Thủy thứ 10 (272), Trần Thọ có nói: "lê dân nghĩ nhớ, truyền tụng sự tích. Đến nay dân của hai châu Lương, Ích vẫn còn truyền kể chuyện về Lượng, lời như còn vẳng bên tai"[1]. Những chuyện kể này tiếp tục phát triển trong thời kỳ Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều cho đến thời Đường. Nhà thơ Lý Thương Ẩn đã ám chỉ đến một chuỗi những câu chuyện về đề tài Tam quốc.
Thời Tống, thuyết Tam phân trở thành một trong ba đề mục quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện miệng. Sự phát triển của loại hình này đã làm nảy sinh nhu cầu biên soạn thoại bản cũng như cung cấp chất liệu chuyện kể cho việc biên soạn ấy. Một trong những thoại bản đó chính là Tam quốc chí bình thoại.
Các bản in
Tam quốc chí bình thoại hiện nay vẫn còn tồn tại hai bản in cổ. Đó là:
- Tân toàn tướng Tam quốc chí cố [sự] được khắc in vào năm Giáp Ngọ niên hiệu Chí Nguyên (1294) thời Nguyên Thế Tổ.
- Tân toàn tướng Tam quốc chí bình thoại được khắc in vào niên hiệu Chí Trị (1321-1323) thời Nguyên Anh Tông.
Ngoài ra còn có bản in mang tên Tân san toàn tướng Tam phân sự lược là bản in gốc làm nền để khắc in bản năm 1294, nhưng nay đã thất truyền. Các bản in này chỉ là những phiên bản in khác nhau của cùng một tác phẩm. Sách đều có kết cấu thượng đồ hạ văn - phần trên của trang in là tranh minh họa, phần dưới là văn bản chuyện kể. Sách không chia ra chương hồi mà chỉ chia thành ba quyển: thượng, trung, hạ.
Ảnh hưởng
Các câu chuyện trong Tam quốc chí bình thoại là đề tài tham khảo để các nhà viết kịch thời Nguyên biên soạn các vở kịch về đề tài Tam quốc, như: Hổ Lao quan Tam chiến Lữ Bố, Trương Phi độc chiến Lữ Bố, Trương Phi tam xuất Tiểu Bái, Cẩm Vân Đường âm định liên hoàn kế, Quan Vân Trường thiên lý độc hành, Gia Cát Lượng Bác Vọng thiêu đồn, Lưu Huyền Đức túy tẩu Hoàng Hạc lâu.
Tiểu thuyết gia La Quán Trung đã vay mượn nhiều chi tiết để xây dựng tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa như: Đào viên kết nghĩa, Tam chiến Lữ Bố, Lưu Bị ném con, Ba lần chọc tức Chu Du.
Chú thích
- ^ Trần Thọ (chí), Bùi Tùng Chi (chú). "Tam quốc chí, tập 1". Nhà xuất bản Văn Học, 2016, trang 100.