Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Xoài lắc

Xoài lắc
LoạiThức ăn đường phố
Xuất xứ Việt Nam
Vùng hoặc bangThành phố Hồ Chí Minh
Nhiệt độ dùngBình thường
Thành phần chínhXoài, gia vị

Xoài lắc là một món ăn đường phố của Việt Nam.[1] Đây là món ăn yêu thích được tìm mua nhiều kể từ năm 2016. Ngoài ra, từ khóa "xoài lắc" cũng nằm trong nhóm từ khoá nổi lên vào năm 2016.[2] Món xoài lắc nhìn chung không khác các món xoài chấm hay tẩm gia vị trước đó, nhưng nét đặc trưng của việc cắt xoài, ướp và lắc đều gia vị trong ly đã tạo ra một trào lưu trong việc tìm mua món ăn đường phố này. Đến nay, đây vẫn là món ăn đường phố phổ biến được ưa chuộng.

Nguồn gốc và tên gọi

Người sáng tạo ra món xoài lắc là một người bán hàng rongThành phố Hồ Chí Minh tên Tạ Ngọc Sơn Hải.[3][4][5] Món ăn bùng phát thành một trào lưu từ một video quay lại cảnh anh chế biến món này, đăng tải trên mạng xã hội Facebook.[1] Nguyên liệu chế biến bao gồm xoài sống (xanh) hoặc chín tái và một số gia vị. "Lắc" nghĩa là lắc đều, xoài được cho vào ly và lắc đều cho gia vị hòa quyện.[6]

Chế biến

Phương thức chế biến món xoài lắc rất đơn giản. Chọn xoài sống (xanh) hoặc chín tái, có vị chua và giòn. Giống xoài ngon nhất để làm xoài lắc là xoài keo.[7][8] Gia vị được sử dụng chủ yếu là ớt bột hoặc ớt tươi, muối tôm và đường cát trộn với nước mắm nấu sôi để nguội.[6]

Gọt hoặc cạo vỏ xoài rồi rửa và ngâm nước muối trong một khoảng thời gian ngắn cho xoài không bị thâm,[9] sau đó ngâm với nước đá lạnh[10][11] trong khoảng 15–20 phút, vớt ra, để ráo.[10] Màu xoài đẹp là màu vàng. Cắt xoài thành những miếng dài đều nhau[10] hoặc cắt vuông vức.[11] Không cắt xoài theo miếng quá dày vì như thế sẽ khiến gia vị khó ngấm.[12] Cho đường cát, tốt nhất là loại đường vàng cùng nước mắm vào nồi, nấu cho đến khi chúng đặc sệt lại. Tỉ lệ đường và nước mắm là 3:1.[10] Bỏ xoài đã cắt vào ly, đổ hỗn hợp đã nấu lên trên sau đó thêm ớt bột, muối tôm, hoặc ớt tươi.[13] Độ cay của món ăn tùy khẩu vị từng người.[10] Đậy nắp ly và lắc cho xoài cùng các gia vị hòa quyện.[14] Không nên cho xoài vào đầy ly, vì cần chừa khoảng trống để dễ dàng thực hiện thao tác "lắc" xoài.[15]

Xoài
Bột ớt
Muối ớt
Đường
Nước mắm
Thành phần cho món xoài lắc.

Sau khi hoàn thành khâu chế biến, chờ xoài ngấm gia vị trong khoảng 1 giờ là có thể dùng.[11] Xoài lắc có thể được bảo quản trong hộp đậy kín nắp, đặt trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần. Chỉ nên sử dụng xoài lắc trong vòng 2 ngày kể từ sau khi chế biến.[12]

Về mặt sức khỏe, việc ăn quá nhiều xoài lắc có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa. Nếu người ăn có tiền sử về các bệnh dạ dày thì việc ăn xoài lắc thường xuyên có thể gây viêm dạ dày, thậm chí là viêm loét dạ dày.[16] Các gia vị chua, cay ảnh hưởng mạnh đến đường ruột.[17][16] Món ăn do dùng nhiều muối có thể gây cao huyết áp, ảnh hưởng đến các vấn đề về tim mạch và các bệnh liên quan thận, xương.[18][16]

Một số cách thức chế biến khác

Một ly xoài lắc ở Bình Tân

Ngoài cách làm gốc của Sơn Hải, còn có nhiều cách làm xoài lắc khác, đa phần chỉ khác biệt đôi chút và chủ yếu khác biệt về các loại gia vị được sử dụng khi chế biến:

  • Xoài lắc muối ớt: là cách thức chế biến đặc trưng ở miền Nam Việt Nam, thực hiện theo cách này, xoài được tẩm muối ớt (ớt tươi đâm nhuyễn với muối).[19][20]
  • Xoài lắc nước mắm: là cách thức chế biến đặc trưng ở miền Bắc Việt Nam, với nguyên liệu nổi trội trong món ăn chính là nước nước mắm, cùng với việc trộn thêm ớt bột. Nước mắm dùng để chế biến có thể được sử dụng trực tiếp hoặc đun sôi trước khi dùng. Loại xoài phù hợp nhất cho cách chế biến món này là xoài keo.[19]
  • Xoài lắc khô bò: được thêm khô bò, hoặc khô bò cùng với chà bông, gia vị thì được bổ sung ruốc khô trong hỗn hợp trộn. Thêm một ít bạc hà và rau răm lên phía trên. Nếu muốn món ăn cay nồng thì sử dụng thêm ớt tươi.[12] Xoài bao tử là loại xoài phù hợp nhất để chế biến theo cách thức này.[19]
  • Xoài lắc phô mai: là cách dùng gia vị không quá cay, không quá chua, không quá ngọt, do đó có hương vị hài hòa. Cách chế biến này này sử dụng bột phô mai và muối tiêu, đường, ớt tươi, ruốc tôm.[19]
  • Xoài lắc kiểu Thái: ngoài nguyên liệu chính là xoài Thái Lan xanh, gia vị dùng chế biến theo cách thức này gồm muối tôm, đường, ớt và nước mắm.[19]

Ngoài các phong cách chế biến kể trên, còn có nhiều phong cách khác như không dùng ớt bột,[13] thêm tôm khô,[20] vắt thêm tắc,...

Tiếp nhận

Từ đầu năm 2016, món xoài lắc bắt đầu "gây sốt" tại khu vực quận Phú Nhuận nơi Tạ Ngọc Sơn Hải mưu sinh.[4][5] Từ địa điểm ban đầu này, món ăn đã phổ biến khắp phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khu vực khác. Xoài lắc trở thành cơn sốt được nhiều người tìm mua, họ sẵn sàng xếp hàng dài đợi mua.[3] Những người buôn bán nhỏ vỉa hè và người bán hàng rong bắt đầu làm theo.[6][21][1] Thậm chí có điểm bán, người mua phải lấy số thứ tự để có thể mua được.[22]

Sự thành công của món xoài này được xem là do sở thích ăn đồ vặt, sự mới lạ hấp dẫn của món ăn. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của "Vũ điệu Xoài lắc", vốn phổ biến trên mạng Internet.[6] Trong chương trình Cười Xuyên Việt mùa thi của năm 2016, thí sinh Nguyễn Anh Tú, sau này là quán quân cuộc thi đã có phần thi Sự tích Xoài lắc ở tập 1.[23]

Một tô cóc lắc

Sau món xoài lắc, diễn ra việc bắt chước làm theo của các loại món khác như cóc lắc, ổi lắc,... và trái cây củ quả các loại khác với hình thức tương tự[24][25] như "khoai lang lắc".[26] Bên cạnh đó là sự xuất hiện các thực phẩm khác ngoài củ quả cũng thực hiện theo cách chế biến "lắc", ví dụ là bánh gạo.[27]

Đánh giá

Xoài lắc là một món ăn đường phố đơn giản nhưng nhờ mạng xã hội cũng như tâm lý sành ăn cái mới của giới trẻ nên đã gây ra cơn sốt. Món ăn này không cần tốn kém nhiều trong việc đầu tư, không cần mặt bằng, mở cửa hàng. Tuy cơn sốt mua là nhất thời nhưng mang đến lợi nhuận không nhỏ.[26] Một vài sinh viên đại học kinh tế đã nêu ra ý kiến xoài lắc có thể được đăng ký Quyền sở hữu trí tuệ cũng như được bảo hộ dưới danh nghĩa Sáng chế nếu đáp ứng "tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp".[14] Hiện tượng xoài lắc có thể mang lại nhiều bài học trong việc tạo ra các sản phẩm khác biệt từ việc nắm bắt và phát huy giá trị của sản phẩm sẵn có, nắm bắt tâm lý ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của khách hàng.[1]

Xoài lắc được cho là sẽ sớm thoái trào như một hiện tượng nhất thời,[6] giống như chè khúc bạch, trà chanh,... trước đó vì chúng chỉ là hiệu ứng đám đông ảnh hưởng chủ yếu từ mạng xã hội.[25] Tạ Ngọc Sơn Hải cho biết: "Ngay cả lúc đắt khách nhất, tôi đã nghĩ là phải tranh thủ bán, được ngày nào hay ngày đó, trào lưu rồi sẽ qua đi. Khách đến mua lúc đầu phần lớn là do hiếu kỳ, tâm lý này sẽ sớm kết thúc khi họ đã dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Chưa kể khi hàng loạt cửa hàng mọc lên, sức mua sẽ giảm xuống".[1] Theo Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An: "Tâm lý giới trẻ thường thích cái mới, muốn trải nghiệm thử một lần nên việc hành động theo đám đông là điều dễ hiểu. [...] Tâm lý của giới trẻ bị kích thích bởi những món ăn mới lạ vì lối suy nghĩ của lứa tuổi này thích thể hiện điều gì đó để chứng minh bản thân mình đã từng trải qua".[25] Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch thì sự lan rộng việc bán xoài lắc cho thấy thói xấu của người Việt, thích kiếm tiền nhưng lười sáng tạo, thấy ai làm gì thì làm theo, dẫn tới cung nhiều hơn cầu, phá giá rồi tất cả đều thất bại.[1]

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ a b c d e f Bảo Uyên (3 tháng 9 năm 2016). “Món ăn vặt Sài Gòn còn lại gì sau "cơn sốt"?”. Thời báo kinh tế Sài Gòn Online. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
  2. ^ “Danh sách tìm kiếm hàng đầu 2016”. Google. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2020.
  3. ^ a b “Xếp hàng dài giữa trời nắng nóng chờ mua xoài lắc ngon nhất TP.Hồ Chí Minh”. Báo điện tử VTV News. 21 tháng 3 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
  4. ^ a b Nguyễn Trà (2 tháng 5 năm 2018). 'Cha đẻ' món xoài lắc 'thần thánh' giờ ra sao?”. Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
  5. ^ a b Tùng Anh (12 tháng 5 năm 2016). “3 món lắc mới lạ mê hoặc giới trẻ Sài thành”. 24h.com.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
  6. ^ a b c d e “Lý giải hiện tượng "xoài lắc" làm mưa gió ở Sài thành”. Báo VietNamNet. 28 tháng 3 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2019.
  7. ^ Lily (7 tháng 7 năm 2020). “9 loại xoài cực ngon đang có mặt trên thị trường Việt, "hot" nhất là xoài tí hon nằm nhỏ gọn trong lòng bàn tay”. Báo điện tử Gia đình & Xã hội. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
  8. ^ Yến Trinh (28 tháng 6 năm 2016). “Món ngon dễ làm: Tự chế xoài lắc muối tôm, ăn trong ngày mưa”. Báo Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2020.
  9. ^ “Cách làm xoài lắc tại nhà chua ngon hấp dẫn”. vtimes.com.au. ngày 5 tháng 9 năm 2017. Bản gốc lưu trữ 25 tháng 9 năm 2020. Truy cập 15 tháng 9 năm 2020.
  10. ^ a b c d e “Cách làm xoài lắc ngon cho bạn ăn vặt không biết chán”. VOH. ngày 26 tháng 10 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  11. ^ a b c “2 Cách làm xoài lắc chua ngọt, muối ớt giòn ngon đúng điệu tại nhà cực dễ”. eva.vn. ngày 26 tháng 9 năm 2019. Bản gốc lưu trữ 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  12. ^ a b c Hải Quang (ngày 10 tháng 6 năm 2018). “Cách Làm Xoài Lắc – Với 4 Bước "ĐƠN GIẢN" Lại Cực "NGON". giadinh.tv. Bản gốc lưu trữ 25 tháng 9 năm 2020. Truy cập 15 tháng 9 năm 2020.
  13. ^ a b “4 Bước đơn giản để có món xoài lắc ngon không cần ớt bột”. doisongphapluat.com. 24 tháng 12 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2020.
  14. ^ a b “Xoài lắc – nhìn từ khía cạnh Sở hữu trí tuệ”. cis.vn. ngày 11 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2016. Truy cập 15 tháng 9 năm 2020.
  15. ^ “Cách chế biến món xoài lắc gây náo loạn Sài Thành”. báo Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ 25 tháng 9 năm 2020. Truy cập 15 tháng 9 năm 2020.
  16. ^ a b c “Món khoái khẩu nhưng đừng ăn nhiều”. báo Tuổi Trẻ. ngày 16 tháng 9 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  17. ^ “Nguy cơ từ món xoài lắc”. ANTV. ngày 20 tháng 6 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 6 năm 2017. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  18. ^ “Coi chừng đột quỵ vì ăn xoài lắc, bánh tráng trộn”. congan.com.vn. ngày 17 tháng 5 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2018. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  19. ^ a b c d e “Tổng hợp những nguyên liệu làm xoài lắc cho những món xoài ngon nhất”. 22 tháng 11 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2020.
  20. ^ a b “Cách làm món xoài lắc miền Nam ngon đúng điệu”. VOV. 4 tháng 1 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2020.
  21. ^ “Nỗi lòng Hải râu - cha đẻ món xoài lắc náo loạn phố phường”. VietNamNet. ngày 29 tháng 3 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2018. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  22. ^ “Teen Sài Gòn chen nhau lấy số chờ ăn... "xoài lắc". báo Tuổi Trẻ. ngày 19 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  23. ^ Hà Ngân (ngày 12 tháng 8 năm 2016). 'Hotboy xoài lắc' Anh Tú trở thành Quán quân Cười xuyên Việt 2016”. báo Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2017. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  24. ^ “Những món ăn ở Sài Gòn gây bão nhưng mau chóng bị lãng quên”. Yan News. ngày 31 tháng 5 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  25. ^ a b c “Thời "tàn" của những món ăn vặt theo trào lưu ở Sài Gòn”. tieudung.vn. ngày 10 tháng 7 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.
  26. ^ a b “Xe đẩy vỉa hè thu 100 triệu/tháng: Làm 1 vụ tiêu cả năm”. VietNamNet. ngày 27 tháng 12 năm 2016. Truy cập 15 tháng 9 năm 2020.
  27. ^ “Sau xoài lắc, giới trẻ Sài Gòn 'bốc số' mua bánh gạo lắc”. nongthonviet.com.vn. ngày 16 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2020. Truy cập 13 tháng 9 năm 2020.

Liên kết ngoài

Kembali kehalaman sebelumnya