Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở A. nigricans là 22,6 cm.[4] Loài cá này có một mảnh xương nhọn màu vàng chĩa ra ở mỗi bên cuống đuôi, tạo thành ngạnh sắc. Cơ thể hình bầu dục thuôn dài, có màu đen phủ khắp cơ thể và trên các vây, trừ vây đuôi có màu trắng. Có một vệt màu trắng bên dưới mắt và một vòng trắng bao quanh miệng. Các dải màu vàng nổi bật ở gốc vây lưng và vây hậu môn, cũng như một sọc hẹp màu vàng ở gần rìa sau của vây đuôi. Đuôi cụt. Các vây (trừ đuôi) đều có dải viền màu xanh ánh kim ở rìa.
A. nigricans khá giống với loài chị em là Acanthurus japonicus từ màu sắc cho đến hình dáng. Khác biệt giữa hai loài này dễ nhận thấy nhất chính là A. japonicus có dải màu trắng kéo dài từ bên dưới của mắt đến môi và thêm một dải màu cam ở cận rìa, trong khi A. nigricans không có những điểm này.
Số gai ở vây lưng: 9; Số tia vây ở vây lưng: 28–31; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 26–29; Số tia vây ở vây ngực: 16; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số lược mang: 17–19.[9]
Sinh thái học
A. nigricans sống đơn lẻ hoặc hợp thành đàn, và là loài có tính lãnh thổ. Thức ăn của chúng là tảo.[4]
Tuổi thọ cao nhất được ghi nhận ở A. nigricans là 34 năm tuổi.[10]
Lai với các loài chị em
Acanthurus achilles, A. japonicus, Acanthurus leucosternon và A. nigricans là 4 loài chị em với nhau, được xếp vào nhóm phức hợp loài A. nigricans (còn được gọi là phức hợp loài A. achilles). Trong 4 loài kể trên, A. nigricans là loài có phạm vi phân bố rộng nhất, chồng lấn lên tất cả phạm vi phân bố của 3 loài còn lại. Chính vì vậy, A. nigricans thường tạp giao với chúng.[11][12]
^C. Scharpf; K. J. Lazara (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 2)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2020.
^R. Fricke; W. N. Eschmeyer; R. van der Laan biên tập (2023). “Acanthurus nigricans”. Catalog of Fishes. Viện Hàn lâm Khoa học California. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2022.
^John E. Randall (1956). “Acanthurus rackliffei, a Possible Hybrid Surgeon Fish (A. achilles × A. glaucopareius) from the Phoenix Islands”. Copeia. 1956 (1): 21–25. doi:10.2307/1439239.