Khổ cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m. Tốc độ thiết kế 80 km/giờ, qua các khu dân cư 60 km/giờ. Tiêu chuẩn thiết kế cầu theo quy trình AASHTO LRFD.
Một số đặc trưng của cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ có những đặc trưng phổ biến của loại cầu dây văng, cùng một số đặc điểm riêng như sau:
Riêng bệ trụ tháp bờ Nam thi công dưới nước nên mặt đáy và vòng vây xung quanh được đúc sẵn trên bờ và lắp ghép trên đầu cọc thành ván khuôn liền với bệ trụ.
Vòng vây xung quanh có chiều sâu ngập trong nước dưới cao trình mặt đáy bệ để che chắn bảo vệ đầu cọc.
Nhưng phải đảm bảo việc định vị các cọc hết sức chính xác trong quá trình thi công khoan nhồi (đặc biệt là thi công dưới nước có dòng chảy mạnh và mực nước lên xuống do ảnh hưởng của thủy triều),
Nếu không chính xác các tấm đáy không lắp ghép được và khó mà bịt kín đáy để thi công cốt thép trong môi trường khô ráo.
Cốt thép thi công bệ trụ có đường kính lớn nhất tới 52 mm và nối dối đầu bằng đầu nối có ren, thí nghiệm kiểm chứng cho thấy khi kéo phá hoại cốt thép đứt ở thân chứ không đứt ở mối nối.
Về trụ tháp có chiều cao tính từ mặt nước là 175,30 m và tính từ mặt cầu là 145,20 m.
Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ, hình dạng này rất đẹp và thanh thoát, không như hình chữ H xoạc cẳng, trụ có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại vái lên trời với tâm linh của người Á Đông.
Kết cấu phần trên: Nhịp dây văng có chiều dài 550 m giữa hai trụ tháp, có tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m) đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại thường xuyên.
Chính ở chỗ mối nối giữa dầm bê tông cốt thép và dầm thép phải thiết kế đặc biệt theo mô hình phần tử hữu hạn (FEM) để chuyển tiếp ứng suất giữa hai loại vật liệu có độ cứng và đàn hồi khác nhau.
Hệ dây văng khác với phương pháp truyền thống là các sợi thép bện thành tao rồi kéo và neo tùng tao trước khi cố định cả bó cáp dây văng.
Ở đây toàn bộ bó cáp dây văng được chế tạo sẵn trong nhà máy rồi căng kéo và neo trên công trường chứ không phải kéo từng tao.
Ngày 26 tháng 10 năm 2007: sau 3 năm lẻ 1 tháng xây dựng, trụ tháp cầu đã cao gần 160m. Công việc thi công tạm đình chỉ do vụ sập nhịp dẫn vào tháng 9 năm 2007. Dự kiến khoảng 2 tháng sau tức là tháng 12, công việc sẽ được tiếp tục hoàn thành 4,8m còn lại của trụ tháp.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 2007, nhịp cầu dẫn dài 90m về phía Vĩnh Long đang thi công đã bất ngờ bị sập. Dưới nhịp cầu dẫn có khoảng 100 công nhân, có khả năng đã thiệt mạng, phía trên nhịp cầu có khoảng 150 công nhân cũng đang thi công đều bị thương. Đây là đoạn cầu dẫn bờ bắc Vĩnh Long bằng dầm Super T, do liên doanh nhà thầu Taisei, Kajima và Nippon Steel làm thầu chính.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 10 năm 2007, số người chết là 55 người, số người bị thương là 80 người, số người mất tích: 1 người [3]. Đến ngày 2 tháng 7 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựngNguyễn Hồng Quân đã báo cáo Chính phủ kết quả điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là do lún lệch đài móng trụ tạm.[4]
Để tưởng niệm những người thiệt mạng do tai nạn, một khu tưởng niệm được xây dựng trong khuôn viên Bồ Đề Cổ tự (xóm Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng II, xã Mỹ Hòa, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Khu tưởng niệm có diện tích gần 80m², nằm cách vị trí cầu Cần Thơ khoảng 200m, được xây dựng bằng kinh phí do nhà thầu TKN (Nhật Bản) tài trợ[5]. Đây cũng là nơi thờ tự tập trung những người quá cố khi tham gia xây dựng cầu Cần Thơ. Vào cùng ngày diễn ra lễ khánh thành cầu Cần Thơ, ngày 24 tháng 4 năm 2010, một lễ cầu siêu đã được tổ chức tại chùa nhằm tưởng nhớ đến những người đã thiệt mạng trong sự cố và cầu cho linh hồn của họ được siêu thoát.