Trống cái là nhạc cụ bộ gõ, chi gõ, không định âm, có kích thước lớn, xuất hiện ở khắp Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Dù ở đồng bằng hay miền núi người ta đều nhận ra sự có mặt của trống cái. Nó không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ mà đã trở thành một dụng cụ thông tin trong trường học, quân đội, lễ hội... từ xưa đến nay.
Cấu tạo
Loại trống này có hình trụ khum với hai mặt trống bịt da trâu, bò có đường kính từ 50, 60 cm trở lên. Tang trống bằng gỗ, thân trống có một quai xách để treo trống. Nếu không sử dụng quai này người ta có thể đặt trống trên giá gỗ hay kim loại[1].
Trống cái không có kích thước chuẩn mực, loại trống nào người ta thấy có đường kính từ 50 cm trở lên thì có thể gọi là trống cái (trống lớn) để phân biệt với loại trống nhỏ có kích thước trung bình và loại trống nhỏ (dùng làm đồ chơi như trống bỏi.
Âm thanh
Âm thanh trống trầm và vang xa. Người ta có thể dùng một hoặc hai dùi gỗ để đánh trống (tùy theo tính chất của công việc). Cách đánh trống có nhiều cách: đánh giữa mặt trống, rìa mặt trống hay tang trống,... Mỗi cách đều tạo âm sắc riêng. Có thể đánh nhanh hoặc chậm tùy trường hợp.
Sử dụng
Là nhạc cụ hòa tấu dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, trong biểu diễn nghệ thuật và thông tin trong cộng đồng (báo động, điểm giờ, cổ động...). Nghi lễ đánh trống khai giảng năm học mới đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam ngày nay.
Vào thế kỷ 15 và 16 trống cái đã xuất hiện trong các dàn nhạc như Đường thượng chi nhạc và Nhã nhạc. Đến thế kỷ 18 người ta nhận thấy sự có mặt của nó trong dàn nhạc lễ và trong các ban nhạc sân khấu như tuồng, chèo để tạo không khí kịch tính. Tại Tây Nguyên, trống cái tham gia hòa tấu với dàn nhạc cồng chiêng, còn ở Tây Bắc nó xuất hiện trong đám múa sư tử, điệu xòe hoa (của người Thái).