Quận Ô Môn nằm liền kề trung tâm của thành phố. Hiện nay quận Ô Môn là quận có quy mô công nghiệp lớn thứ 2 thành phố sau quận Thốt Nốt. Quận có vị trí quan trọng, chiến lược trong phát triển kinh tế, năng lượng, y tế, giáo dục và đô thị mới của thành phố trong tương lai.
Trước năm 2004, Ô Môn vốn là một huyện thuộc tỉnh Cần Thơ cũ, với huyện lỵ là thị trấn Ô Môn. Địa bàn huyện Ô Môn khi đó rất rộng lớn, bao gồm toàn bộ quận Ô Môn, toàn bộ huyện Thới Lai và một phần các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền hiện nay. Ngày 2 tháng 1 năm 2004, theo Nghị định số 05/2004/NĐ-CP, vùng đất huyện Ô Môn cũ được chia thành các đơn vị hành chính mới là quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ của thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Đến cuối năm 2008, lại giải thể huyện Cờ Đỏ cũ để thành lập huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ mới. Đặc biệt, địa bàn huyện Cờ Đỏ mới chỉ chiếm một phần diện tích của huyện Cờ Đỏ cũ trước đó, phần còn lại thuộc về huyện Thới Lai.
Như vậy, Ô Môn chính thức trở thành một quận thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương từ năm 2004. Ngoài ra, thị trấn Ô Môn cũ được chuyển thành phường Châu Văn Liêm, sau đó lại tách đất phường Châu Văn Liêm để thành lập mới phường Thới Hòa. Hiện nay, trung tâm hành chính quận Ô Môn được đặt ở phường Châu Văn Liêm. Ô Môn là quận có diện tích lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, trung tâm hành chính quận được đặt ở phường Châu Văn Liêm
Tên gọi
Ban đầu, địa danh Ô Môn chỉ là tên một làng thuộc tổng Thới Bảo, tỉnh Cần Thơ. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Ô Môn do lấy theo tên gọi làng Ô Môn vốn là nơi đặt quận lỵ.
Vị trí địa lý
Quận Ô Môn nằm ở phía bắc nội thành của thành phố Cần Thơ, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20 km theo Quốc lộ 91, có vị trí địa lý:
Quận có diện tích 125,40 km², dân số năm 2019 là 128.677 người, mật độ dân số đạt 1.026 người/km².[1]
Lịch sử
Thời phong kiến
Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra.
Vào đầu triều Nguyễn, huyện Ô Môn được lập riêng cho người Khmer ở vùng đất dọc theo sông Hậu Giang. Năm 1813, huyện Ô Môn đổi tên thành huyện Vĩnh Định. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập. Năm 1836, vùng đất quận Ô Môn, huyện Thới Lai và một phần các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền ngày nay thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Tổng Định Thới khi đó gồm 6 thôn: Bình Thủy, Phú Long, Tân Lộc Đông, Thới An, Thới An Đông, Thới Hưng.
Năm 1839, nhà Nguyễn lập mới huyện Phong Phú và đặt huyện này thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Huyện Phong Phú từng là đất huyện Vĩnh Định và đất thổ huyện Ô Môn của Cao Miên, lỵ sở huyện đặt tại vùng đất ven sông Cần Thơ (còn gọi là Cầm Thi Giang). Lúc này, vùng đất Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền ngày nay thuộc tổng Định Thới, huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Thời Pháp thuộc
Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Tổng Định Thới lúc này lần lượt thuộc hạt Sa Đéc, hạt Trà Ôn và sau cùng là hạt Cần Thơ. Từ năm 1876, các thôn đổi thành làng, hạt thanh tra Cần Thơ đổi thành hạt tham biện Cần Thơ thuộc khu vực hành chánh Bassac (Hậu Giang) do thực dân Pháp đặt ra. Cũng về sau, tổng Định Thới được tách ra để thành lập mới tổng Thới Bảo.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Cần Thơ. Các tổng Định Thới và Thới Bảo ban đầu trực thuộc tỉnh Cần Thơ.
Năm 1918, thực dân Pháp thành lập quận Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ, với quận lỵ ban đầu đặt tại làng Ô Môn. Sau này, làng Ô Môn bị giải thể, sáp nhập vào làng Thới Thạnh nên quận lỵ Ô Môn về sau thuộc địa bàn làng Thới Thạnh.
Ban đầu, quận Ô Môn gồm 2 tổng với 18 làng trực thuộc như sau (theo thống kê năm 1917):
Tổng Định Thới gồm 10 làng: Bình Phước, Bình Xuân, Long Tuyền, Phú Luông, Tân Thới, Thới An, Thới An Đông, Thới Giai, Thới Hanh, Thới Hưng
Tổng Thới Bảo gồm 8 làng: Định Môn, Ô Môn, Thới Lai, Thới Thạnh, Thới Thạnh Hạ, Trường Lạc, Trường Long, Trường Thành
Sau này, thực dân Pháp tiến hành hợp nhất một số làng lại và lấy tên gọi mới cho các làng, bên cạnh đó cũng giải thể và sáp nhập một số làng vào các làng khác lân cận như: Phước Thới (hợp nhất Bình Phước và Thới Hanh), Giai Xuân (hợp nhất Thới Giai và Bình Xuân), Thới Long (hợp nhất Thới Hưng và Phú Luông), Thới Thạnh (hợp nhất Thới Thạnh, Thới Thạnh Hạ và Ô Môn). Cũng về sau, các làng Long Tuyền, Giai Xuân và Trường Long được giao về cho tổng Định An thuộc quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ quản lý.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975. Huyện Ô Môn khi đó vẫn thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1947, chính quyền Việt Minh chia huyện Ô Môn thành 2 huyện là Ô Môn A và Ô Môn B cùng thuộc tỉnh Cần Thơ, đến năm 1954 thì hợp nhất lại thành một huyện Ô Môn như trước.
Giai đoạn 1956-1976
Việt Nam Cộng hòa
Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Ban đầu, Ô Môn vẫn là tên quận thuộc tỉnh Phong Dinh. Đến ngày 16 tháng 10 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên thành quận Phong Phú. Thời Việt Nam Cộng hòa, xã Trường Lạc cũng bị đổi tên thành xã Bình An; đồng thời tách đất xã Thới Long để lập mới xã Ngôn Thiện.
Ngày 2 tháng 7 năm 1962, một phần đất quận Phong Phú được tách ra để thành lập thêm quận Khắc Trung, quận lỵ đặt tại Cờ Đỏ. Đến ngày 20 tháng 4 năm 1964, quận Khắc Trung lại đổi tên thành quận Thuận Trung. Quận Thuận Trung lúc này cũng nhận thêm xã Thạnh Phú từ quận Thốt Nốt của tỉnh An Giang giao cho. Phân chia hành chánh các quận Phong Phú và Thuận Trung thuộc tỉnh Phong Dinh năm 1964:
Quận Phong Phú gồm 2 tổng, 9 xã:
Tổng Thới Bảo gồm 4 xã: Bình An, Định Môn, Thới Thạnh, Trường Thành;
Tổng Định Thới gồm 5 xã: Phước Thới, Tân Thới, Thới An, Thới An Đông, Thới Long;
Quận Thuận Trung gồm 1 tổng là Phong Thuần với 4 xã: Ngôn Thiện, Thạnh Phú, Thới Đông, Thới Lai;
Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Ngày 26 tháng 5 năm 1966, lại tách đất các xã Tân Thới và Trường Thành của quận Phong Phú để lập mới xã Cầu Nhiếm và giao xã này cho quận Phong Điền cùng tỉnh mới được thành lập.
Cho đến trước năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa phân chia hành chánh các quận Phong Phú và Thuận Trung thuộc tỉnh Phong Dinh như sau:
Quận Phong Phú gồm 9 xã: Bình An, Định Môn, Thới Thạnh, Trường Thành, Phước Thới, Tân Thới, Thới An, Thới An Đông, Thới Long. Quận lỵ đặt tại xã Thới Thạnh (ngày nay thuộc khu vực phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn).
Quận Thuận Trung gồm 4 xã: Thới Lai, Thới Đông, Thạnh Phú, Ngôn Thiện. Quận lỵ đặt tại xã Thới Đông (ngày nay thuộc khu vực thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ).
Huyện Ô Môn ban đầu vẫn giữ lại các xã Thới An Đông và Trường Long, đồng thời vẫn duy trì tên gọi xã Trường Lạc như cũ. Về sau, các xã Thới An Đông và Trường Long cũng được giao về cho huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý. Bên cạnh đó, tên gọi các xã mới như Ngôn Thiện, Cầu Nhiếm cũng không được phía chính quyền Cách mạng công nhận và sử dụng.
Năm 1965, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định tách xã Trường Thành thuộc huyện Ô Môn ra hai xã là xã Trường Thành và xã Trường Long, đồng thời giao xã Trường Long về cho huyện Châu Thành quản lý. Từ năm 1966, xã Trường Long thuộc huyện Châu Thành A. Đến năm 1973, tiếp tục tách xã Trường Long thành hai xã: Trường Long và Trường Long Tây. Trong đó, địa bàn xã Trường Long Tây thuộc huyện Châu Thành A trùng với địa bàn xã Lệ Tâm thuộc quận Thuận Nhơn, tỉnh Phong Dinh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quyết định tách 6 xã vùng ven thị xã Cần Thơ vốn thuộc huyện Ô Môn và huyện Châu Thành trước đó để sáp nhập vào địa bàn thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam của tỉnh Cần Thơ ban đầu vẫn đặt huyện Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Huyện lỵ là thị trấn Ô Môn, được thành lập do tách đất từ xã Thới Thạnh. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa). Đồng thời, chính quyền Cách mạng cũng điều chỉnh hành chánh một số xã của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như sau:
Giải thể xã Ngôn Thiện, sáp nhập địa bàn vào xã Thới Long thuộc huyện Ô Môn;
Bàn giao xã Thạnh Phú về cho huyện Thốt Nốt quản lý trở lại như trước;
Giải thể xã Cầu Nhiếm, sáp nhập địa bàn vào hai xã Tân Thới và Trường Thành như cũ.
Giai đoạn 1976-2003
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới: tỉnh Hậu Giang. Lúc này, Ô Môn trở thành huyện của tỉnh Hậu Giang, ban đầu bao gồm thị trấn Ô Môn và 11 xã: Định Môn, Phước Thới, Tân Thới, Thới An, Thới Đông, Thới Lai, Thới Long, Thới Thạnh, Trường Lạc, Trường Thành, Trường Xuân.
Ngày 28 tháng 3 năm 1983, Hội động Bộ trưởng ban hành Quyết định số 21-HĐBT[3] về việc phân vạch địa giới xã thuộc tỉnh Hậu Giang:
Thành lập xã Đông Hiệp gồm ấp Thới Hiệp của xã Thới Đông và một phần của ấp Thới Hữu thuộc xã Thới Lai đưa sang.
Chia xã Thới Đông thành 5 xã: Thới Đông, Thới Xuân, Thới Phước, Đông Bình và Đông Thuận.
Chia xã Thới Lai thành 5 xã: Thới Lai, Thới Hòa, Thới Khương Ninh, Thới Khương Bình và Thới Hữu.
Chia xã Trường Xuân thành 5 xã: Trường Xuân, Xuân Mai, Xuân Bình, Xuân Đại và Xuân Thắng.
Sáp nhập ấp Định Khánh A và một phần ấp Định Khánh B của xã Định Môn vào xã Trường Thành.
Chia xã Trường Thành thành 3 xã: Trường Thành, Trường Tân và Trường An.
Sáp nhập ấp Thới Hòa C của xã Thới Thạnh vào xã Thới Long.
Chia xã Thới Long thành 2 xã: Thới Long và Thới Hưng.
Sáp nhập ấp Định Phước của xã Định Môn vào xã Thới Thạnh.
Chia xã Thới Thạnh thành 2 xã: Thới Thạnh và Tân Thạnh.
Sáp nhập ấp Thới Phong của xã Thới An vào xã Phước Thới.
Chia xã Phước Thới thành 2 xã: Phước Thới và Phước An.
Ngày 16 tháng 9 năm 1989, huyện Ô Môn bao gồm thị trấn Ô Môn và 16 xã[4]. Ngày 21 tháng 12 năm 1991, 4 xã: Đông Hiệp, Thới Xuân, Đông Bình và Xuân Bình bị giải thể.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, huyện Ô Môn lúc này thuộc tỉnh Cần Thơ, bao gồm thị trấn Ô Môn và 12 xã: Định Môn, Đông Thuận, Phước Thới, Tân Thới, Thới An, Thới Đông, Thới Lai, Thới Long, Thới Thạnh, Trường Lạc, Trường Thành, Trường Xuân.[5]
Ngày 21 tháng 4 năm 1998, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 21/1998/NĐ-CP[6], về việc về thành lập thị trấn Cờ Đỏ và các xã Đông Bình, Đông Hiệp thuộc huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Cụ thể như sau:
Thành lập thị trấn Cờ Đỏ trên cơ sở điều chỉnh 438 ha diện tích tự nhiên và 7.914 nhân khẩu của xã Thới Đông; 320 ha diện tích tự nhiên và 1.894 nhân khẩu của xã Thạnh Phú (thuộc huyện Thốt Nốt).
Thành lập xã Đông Bình trên cơ sở điều chỉnh 2.770,56 ha diện tích tự nhiên và 6.720 nhân khẩu của xã Đông Thuận.
Thành lập xã Đông Hiệp trên cơ sở điều chỉnh 1.754 ha diện tích tự nhiên và 5.222 nhân khẩu của xã Thới Đông; 680 ha diện tích tự nhiên và 1.337 nhân khẩu của xã Thới Long; 914,9 ha diện tích tự nhiên và 3.054 nhân khẩu của xã Thới Lai.
Ngày 4 tháng 8 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 28/2000/NĐ-CP[7] về việc thành lập thị trấn thuộc các huyện Thốt Nốt, Ô Môn và Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập thị trấn Thới Lai trên cơ sở 946,51 ha diện tích tự nhiên và 10.183 nhân khẩu của xã Thới Lai.
Ngày 19 tháng 4 năm 2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 47/2002/NĐ-CP[7] về việc thành lập xã thuộc các huyện Ô Môn, Phụng Hiệp và Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Trường Xuân A trên cơ sở 3.679,07 ha diện tích tự nhiên và 13.094 nhân khẩu của xã Trường Xuân.
Ngày 12 tháng 5 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 48/2003/NĐ-CP[8] về việc thành lập xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành A, Ô Môn, Phụng Hiệp và thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Xuân Thắng trên cơ sở 1.207,7 ha diện tích tự nhiên và 7.645 nhân khẩu của xã Thới Lai.
Từ năm 2004 đến nay
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11[9], về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang, huyện Ô Môn và sau đó là quận Ô Môn thuộc thành phố Cần Thơ, bao gồm 3 thị trấn: Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai và 16 xã: Định Môn, Đông Bình, Đông Hiệp, Đông Thuận, Phước Thới, Tân Thới, Thới An, Thới Đông, Thới Lai, Thới Long, Thới Thạnh, Trường Lạc, Trường Thành, Trường Xuân, Trường Xuân A, Xuân Thắng.
Ngày 2 tháng 1 năm 2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 05/2004/NĐ-CP[10], về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương.
Theo đó, thành lập quận Ô Môn trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của thị trấn Ô Môn và các xã Thới An, Phước Thới, Trường Lạc, 3.585,49 ha diện tích tự nhiên và 35.376 người của xã Thới Long thuộc huyện Ô Môn trước đó. Lần lượt thành lập các phường của quận Ô Môn như sau:
Thành lập phường Châu Văn Liêm trên cơ sở toàn bộ 1.658,42 ha diện tích tự nhiên và 30.485 nhân khẩu của thị trấn Ô Môn.
Thành lập phường Thới An trên cơ sở toàn bộ 2.430,62 ha diện tích tự nhiên và 26.474 nhân khẩu của xã Thới An.
Thành lập phường Phước Thới trên cơ sở toàn bộ 2.682,57 ha diện tích tự nhiên và 20.193 nhân khẩu của xã Phước Thới.
Thành lập phường Trường Lạc trên cơ sở toàn bộ 2.200,16 ha diện tích tự nhiên và 15.803 nhân khẩu của xã Trường Lạc.
Thành lập phường Thới Long trên cơ sở 3.585,49 ha diện tích tự nhiên và 35.376 nhân khẩu của xã Thới Long.
Quận Ô Môn sau khi được thành lập có 12.557,26 ha diện tích tự nhiên và 128.331 nhân khẩu với 5 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Châu Văn Liêm, Thới An, Phước Thới, Trường Lạc và Thới Long.
Ngày 16 tháng 1 năm 2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 11/2007/NĐ-CP[11], về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập phường, thị trấn thuộc các quận Ninh Kiều, Ô Môn và các huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Theo đó, thành lập phường Thới Hoà trên cơ sở điều chỉnh 702,84 ha diện tích tự nhiên và 7.766 người của phường Châu Văn Liêm.
Sau khi điều chỉnh, quận Ô Môn có 12.557,26 ha diện tích tự nhiên và 127.889 người, có 6 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Châu Văn Liêm, Thới Hoà, Phước Thới, Trường Lạc, Thới An và Thới Long.
Ngày 06 tháng 11 năm 2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2007/NĐ-CP[12], về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập xã, phường thuộc quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Theo đó, thành lập phường Long Hưng trên cơ sở điều chỉnh 1.713,91 ha diện tích tự nhiên và 14.029 người của phường Thới Long.
Sau khi điều chỉnh, quận Ô Môn có 12.540,86 ha diện tích tự nhiên và 131.124 người với 7 đơn vị hành chính phường trực thuộc, bao gồm các phường: Thới Long, Long Hưng, Thới Hoà, Thới An, Châu Văn Liêm, Phước Thới và Trường Lạc.
Nguồn: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023–2025 của thành phố Cần Thơ[13]
Kinh tế - xã hội
Danh sách KCN, Nhà máy trên địa bàn quận Ô Môn
Khu công nghiệp Trà Nóc II
Khu công nghệ cao thành phố Cần Thơ
Vườn ươm Công Nghệ Công Nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Nhà máy điện Ô Môn I
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III.
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV
Hiện các Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, Nhà máy này giữ vai động lực phát triển và nhằm cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực lao động trên địa bàn thành phố. Ngoài ra KCN Trà Nóc 2 nằm trên địa bàn quận hiện nay đang dẫn đầu thành phố về thu hút đầu tư, với 55 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng kí lên đến 530 triệu USD. Trong KCN Trà Nóc 2 hiện nay có các doanh nghiệp lớn như Nhà máy sản xuất ô tô Cần Thơ, chi nhánh Công ty Pepsico, công ty thủy sản Cổ Chiên, v.v[14]
Trong 9 tháng năm 2020.Kinh tế của quận Ô Môn tiếp tục phát triển, tổng giá trị sản xuất được 19.609 tỉ đồng, đạt 77% kế hoạch. Quận đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đến nay đã giải ngân được 112 tỉ đồng vốn xây dựng cơ bản, đạt 70,5% kế hoạch. Tổng thu ngân sách được 116 tỉ đồng, đạt 63,6% kế hoạch. Cơ sở hạ tầng, vật chất của ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế được quan tâm đầu tư; công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện chủ động, có hiệu quả...[15]
Xã hội
Một số trường Cao đẳng, trường học và bệnh viện trên địa bàn quận Ô Môn:
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thành phố Cần Thơ
Bệnh viện Tâm thần Thành phố Cần Thơ
Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn
Trung tâm Y tế quận Ô Môn
Trung tâm Y tế dự phòng quận Ô Môn
Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ
Học Viện Phật Giáo Nam Tông Khmer
Một số trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn quận như:
Trường mầm non Sao Mai
Trường Tiểu Học Nguyễn Việt Hồng
Trường Tiểu Học Nguyễn Huệ
Trường Tiểu Học Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trường THCS Châu Văn Liêm
Trường THCS Lê Lợi
Trường THCS Nguyễn Trãi
Trường THCS Ngô Quyền
Trường THPT Lưu Hữu Phước
Trường THPT Lương Định Của
Trường THPT Thới Long
Trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú
Trung tâm GDTX-KTTHHN Quận Ô Môn.
Hạ tầng
Các dự án hạ tầng đã và đang triển khai và nằm trong kế hoạch đầu tư trên địa bàn quận
Hạ tầng đô thị
• Khu đô thị Thành Đô 34.482m² (P.Châu Văn Liêm) đã hình thành.
• Khu dân cư Phước Thới 28.505,5m² (P.Phước Thới) đã hình thành.
• Khu tái định cư Ô Môn khu 1 quy mô 4,69ha. Đã hình thành.
• Khu tái định cư sau trường nội trú 3,45ha tại phường Châu Văn Liêm, đã hình thành.
• Khu đô thị và tái định cư số 14 quy mô 232ha, danh mục đầu tư của thành phố.
• Khu thể dục thể thao thành phố quy mô 500ha tại phường Trường Lạc, kêu gọi đầu tư.
• Khu tái định cư số 3 quy mô 50ha tại phường Châu Văn Liêm, danh mục đầu tư của thành phố.
• Khu tái định cư số 4 quy mô 20ha< danh mục đầu tư của thành phố.
• Khu đô thị mới Trường Lạc quy mô 32ha tạo phường Trường Lạc. Kêu gọi đầu tư.
• Khu tái định cư Bình Thủy - Ô Môn quy mô 215ha trong đó có 1 phần tại phường Trường Lạc.
• Khu thương mại dịch vụ du lịch vui chơi giải trí quy mô 47ha.
• Khu đô thị Ô Môn 1 phường Phước Thới, diện tích 158,57ha. (P.Phước Thới).
• Khu đô thị mới Ô Môn 2, vị trí quy hoạch tại phường Phước Thới, diện tích 69,55ha
• Khu thiết chế công đoàn 3,1ha (P.Phước Thới) chuẩn bị đầu tư.
• Khu nhà ở Bình Hoà A quy mô 9,8ha (P.Phước Thới), chuẩn bị đầu tư.
• Khu đô thị mới Châu Văn Liêm quy mô 21,56ha.
• Khu đô thị mới Nam QL91 ( phường Châu Văn Liêm ) diện tích 41,75ha.
Hạ tầng xã hội phát triển kinh tế
• KCN cao thành phố Cần Thơ quy mô 150ha tại phường Phước Thới.
• Cảng Ô Môn phục vụ cho vùng nhiệt điện Ô Môn tại phường Phước Thới.
• Các nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, II & IV, khí lô B và bổ sung nhà máy nhiệt điện Ô Môn V tại các phường Phước Thới và Thới An.
Hạ tầng y tế & giáo dục
• Bổ sung quy hoạch khu làng đại học thành phố từ quận Bình Thủy và ranh quận Ô Môn ( phường Trường Lạc ).
• Quy hoạch mới 12 tuyến bệnh viện chính cơ sở 2 và 1 số tuyến bệnh viện được di dời ra khỏi quận Ninh Kiều và xây mới về quận Ô Môn gồm:
1. Bệnh viện Tim Mạch thành phố Cần Thơ cơ sở 2 quy mô 200 giường.
2. Bệnh viện Mắt thành phố Cần Thơ cơ sở 2 quy mô 150 giường.
3. Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ cơ sở 2.
4. Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cơ sở 2.
5. Bệnh viện Lão khoa - nội tiết thành phố Cần Thơ quy mô 100 giường cơ sở 2.
6. Bệnh viện Nhiệt đới thành phố Cần Thơ quy mô 100 giường.
Các cơ quan của Thành Phố Cần Thơ hiện đang nằm trên địa bàn quận Ô Môn:
Trường quân sự Thành phố Cần Thơ
Đội quản lí thị trường số 2-TP.Cần Thơ
Trung tâm bảo trợ xã hội Thành phố Cần Thơ
Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao Quốc gia-TP.Cần Thơ[16]
Giao thông
Các tuyến đường chính
Quốc lộ 91 đi qua các phường (Phước Thới, Châu Văn Liêm, Thới Hòa, Long Hưng).
Quốc lộ 91B đi qua phường Phước Thới.
Đường tỉnh 920 đi qua phường Phước Thới, giai đoạn 2 đi các phường (Thới An, Thới Long).
Đường tỉnh 922 cũ đi qua phường Châu Văn Liêm.
Đường tỉnh 922 mới đi qua các phường Châu Văn Liêm, Trường Lạc.
Đường tỉnh 923 đi qua phường Trường Lạc.
ĐT920B (Thới An, Thới Hòa).
Đường vành đai phía Tây đi qua các phường (Châu Văn Liêm, Trường Lạc)
Đường Ô Môn-Giồng Riềng đi qua các phường (Thới Hòa, Thới An).
Tuyến tránh Ô Môn (tránh sạt lở) đi qua phường Thới Hòa.
Đường phố
3 tháng 2
26 tháng 3
30 tháng 4
Bến Bạch Đằng
Bến Hoa Viên
Cách Mạng Tháng Tám
Châu Văn Liêm
Đắc Nhẫn
Đặng Thanh Sử
Đinh Tiên Hoàng
Hồ Văn Tửu
Huỳnh Thị Giang
Kim Đồng
Lê Lợi
Lê Quý Đôn
Lê Văn Tám
Lộ Vòng Cung
Lưu Hữu Phước
Lý Thường Kiệt
Ngô Quyền
Nguyễn Du
Nguyễn Trãi
Nguyễn Trung Trực
Phan Đình Phùng
Quyết Thắng
Thái Thị Hạnh
Tôn Đức Thắng
Trần Hưng Đạo
Trần Kiết Tường
Trần Ngọc Hoằng
Trần Nguyên Hãn
Trần Quốc Toản
Trưng Nữ Vương
Trương Văn Diễn
Tắc Ông Thục
Võ Thị Sáu
Các tuyến đường được nâng cấp và mở mới trên địa bàn quận
• Đường tỉnh 922 đi qua phường Trường Lạc kết nối quận Bình Thủy và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ (đã thông tuyến).
• Mở rộng ĐT923 đã và đang giải phóng mặt bằng và thi công mở rộng.
• Mở rộng tuyến Thái Thị Hạnh quy mô 20m bề rộng có vỉa hè, dải phân cách đi qua 2 phường Thới Long, Long Hưng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
• Nâng cấp tuyến Trần Ngọc Hoằng và các tuyến đường nội ô quận.
• Triển khai xây dựng tuyến vành đai phía Tây quy mô 6 làn xe đi qua các phường (Trường Lạc, Châu Văn Liêm).
• Đầu tư mới tuyến đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng giai đoạn 1 quy mô 12m đi qua các phường Thới Hòa và Thới An kết nối QL54 với QL91.
Di tích
Chùa Pôthi Somrôn là một ngôi chùa Khmer cổ tọa lạc bên sông Ô Môn, thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2006.
Đình Thới An được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, hiện tọa lạc tại khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn. Ngôi đình đã được vua Tự Đức sắc phong Thành hoàng Bổn cảnh vào năm 1852, và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2004.
Linh Sơn Cổ Miếu được xây dựng vào năm 1890, hiện tọa lạc tại phường Thới Long, quận Ô Môn. Ngôi miếu do một nhóm người Việt gốc Hoa xây dựng, và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2008[17].
^Quyết định 128-HĐBT về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới một số xã thuộc các huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thốt Nốt, Vị Thanh, Vĩnh Châu