Đại chúng bộ
Đại chúng bộ (chữ Hán: 大眾部, tiếng Phạn: महासांघिक, mahāsāṃghika; bo. ཕལ་ཆེན་པའི་སྡེ་པ་, phiên âm THL: pel chen pé dé pa), còn gọi là Ma-ha-tăng-kỳ bộ (摩訶僧祇部), giản lược thành Tăng-kỳ bộ (僧祇部), Thánh đại chúng bộ (聖大眾部), là một trong hai bộ phái hình thành đầu tiên thời Phật giáo Bộ phái. Danh xưng của phái này, "đại chúng", nhằm để chỉ đến đặc điểm được hình thành bởi phái đa số, chủ yếu là các tăng sĩ trẻ, cấp tiến, của Tăng-già nguyên thủy, sau khi phái thiểu số, chủ yếu là các trưởng lão, tách ra để hình thành Trưởng lão bộ (sa. sthaviravāda). Theo các ghi chép của Dị bộ tông luân luận và Dị bộ tông luân luận thuật ký, Đại chúng bộ chủ trương Đức Phật đã hoàn toàn ly tình tuyệt dục, uy lực vô biên, thọ lượng vô cùng. Những lời của Đức Phật là chánh pháp giáo lý, nên được tiếp thu trọn vẹn. Hiện tại là có thực, quá khứ vị lai là không có thực. Pháp vô vi có 9 loại. Bản tính của Tâm vốn thanh tịnh, ban đầu bị ô nhiễm bởi phiền não, tu tập Phật pháp có thể loại bỏ ô nhiễm và trở về thanh tịnh. Nguồn gốc hình thànhCác tài liệu Phật giáo ghi chép việc chia rẽ Tăng đoàn nguyên thủy theo những thuyết khác nhau:
Các nhà nghiên cứu hiện đại như André Bareau, Paul Demiéville, Nalinaksha Dutt... đều thiên về một trong các thuyết chính trên, nhưng tất cả đều thống nhất quan điểm bản chất sự chia rẽ liên quan đến giới luật (vinaya).[6] Theo đó, sự chia rẽ là do phái đa số (Mahāsaṃgha) từ chối chấp nhận đề nghị bổ sung thêm các giới luật vào Luật tạng của phái thiểu số (Sthavira).[7] Thông tin này được củng cố bởi chính các nguồn về giới luật, vì các giới luật liên quan đến Sthavira chứa đựng nhiều quy tắc hơn giới luật trong Luật tạng Mahāsāṃghika.[8] Ví dụ, Mahāsāṃghika Prātimokṣa có 67 giới luật trong phần Chúng học pháp (sa. śaikṣa-dharma), trong khi phiên bản Theravāda có đến 75 giới.[9] Học giả hiện đại nói chung đều đồng ý rằng Luật tạng Đại chúng bộ là lâu đời nhất.[10] Các mô tảNhà sư Parthia An Thế Cao khi đến Trung Quốc đã dịch Đại Tỳ-kheo Tam thiên Uy nghi (大比丘三千威儀), một tác phẩm mô tả màu sắc của y phục tăng nhân (kāṣāya) được sử dụng trong năm bộ phái Phật giáo lớn của Ấn Độ.[11] Tài liệu Xá-lợi-phất vấn kinh (Śāriputraparipṛcchā) được dịch sau này cũng có những đoạn mô tả xác nhận thông tin này. Trong cả hai nguồn, các tăng nhân Mahāsāṃghika được mô tả là mặc y vàng. Theo Dudjom Rinpoche, tăng y của các tu sĩ Mahāsāṃghika thọ giới cụ túc phải được may từ hơn 7 mảnh, nhưng không quá 23 mảnh.[12] Các biểu tượng được may trên y là chữ Vạn (sa. śrīvatsa) và ốc loa (sa. śaṅkha), hai trong số Tám Dấu hiệu Tốt lành (Ashtamangala) trong Phật giáo.[12] Nhà sử học Tây Tạng Buton Rinchen Drub (1290-1364) đã viết rằng các Mahāsāṃghika sử dụng ngôn ngữ Prākrit, Sarvāstivādin sử dụng Phạn ngữ, Sthaviravādin sử dụng Paiśācī và Saṃmitīya sử dụng Apabhraṃśa.[13] Tông nghĩaQuan điểm của Đại chúng bộ được xem là tiền thân của giáo pháp Đại thừa sau này. Người ta đã tìm thấy nơi Đại chúng bộ quan điểm cho rằng, tất cả đều chỉ là giả danh, cái tuyệt đối cũng như tương đối, Niết-bàn hay Luân hồi, thế gian hay xuất thế gian. Tất cả những danh tự đó không hề có một thật chất trường tồn. Thời đó, quan điểm này đã ngược hẳn giáo lý của Trưởng lão bộ (sa. sthaviravādin, pi. theravādin). Các vị thuộc Đại chúng bộ xem đức Phật là con người siêu thế, với thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Đó là khái niệm đầu tiên dẫn đến quan điểm "Phật siêu việt" sau này của Đại thừa Phật giáo. Đại chúng bộ xem đức Phật là sống vô tận, đã đạt Nhất thiết trí, toàn năng, thể nhập đại định vĩnh cửu. Kinh vănHầu hết tài liệu kinh văn của Đại chúng bộ không còn được lưu truyền cho đến ngày nay, chỉ còn sót lại Ma-ha-tăng-kỳ luật (摩訶僧祇律) Hán dịch của Đại chúng bộ, Đại sự (Mahāvastu) Phạn ngữ lai của Thuyết xuất thế bộ và Giới kinh (Pratimokṣa) Phạn ngữ lai của Đại chúng bộ.[14][15] Phân nhánhTheo thời gian, Đại chúng bộ lại tách ra thành các phái Nhất thuyết bộ (Ekavyāhārika), Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda) và Kê dận bộ (Kukkuṭika), Đa văn bộ (bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (Prajñaptivāda), Chế Đa Sơn bộ (Caityasaila), Tây Sơn trú bộ (Aparasaila) và Bắc Sơn trú bộ (Uttarasaila).
Chú thích
Tham khảo
|